gac an yen

Ấn tượng chìm và mọc

Hôm nay Gác nằm nghe “Giáo đường chìm đắm” (La Cathédrale Engloutie) của Debussy, là prelude số 10 trong tổng số 24 prelude của ông. Nghe xong viết luôn một bài chia sẻ với cả nhà. Trước khi nói về tác phẩm này, ta cần tìm hiểu một chút về một người tưởng như không liên quan: hoạ sĩ Monet.

Claude Monet và “Ấn tượng mặt trời mọc”

Bức “Ấn tượng mặt trời mọc” là một tác phẩm gây tranh cãi khi nó ra đời. Monet vẽ lại cảng La Havre (Pháp) – quê hương của ông với một cách biểu hiện độc đáo, thậm chí bị bức tranh còn bị một số nhà phê bình thời kỳ đó liệt vào những bức hoạ “bôi bác” nghệ thuật. Giữa vô vàn những bức hoạ cổ điển thời kỳ ấy, tác phẩm này lại chủ trương không đi theo lối kinh viện, hàn lâm. Những nét vẽ của tác phẩm “có vẻ” nguệch ngoạc, màu sắc ảm đạm, xám ngoét, chủ thể không rõ ràng, mờ ảo, xoá nhoà ranh giới giữa các lớp cảnh.
 
Nhưng đằng sau những mờ ảo đó là một bến cảng, có những con tàu lớn phía hậu cảnh, tàu nhỏ ở trung tâm, có cả người đang chèo thuyền và in bóng dưới nước. Nếu quan sát kỹ hình như có cả một nhánh rẽ của sông nữa. Một mặt trời cam đỏ đang dần mọc tròn xoe, bầu trời vàng nâu và sóng sánh trên mặt nước như điểm nhấn của bức hoạ. Bức tranh gây “ấn tượng” với người xem thời kỳ đó theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Cuối cùng nó đã tạo ra một trường phái mới cho hội hoạ thế giới và ảnh hưởng cả vào âm nhạc cũng như những loại hình nghệ thuật khác.

Claude Debussy và “Giáo đường chìm đắm”

Tác phẩm “Giáo đường chìm đắm” kể rằng ở Bretagne (Pháp) có một giáo đường, từ lâu đã chìm đắm dưới biển. Một ngày nọ giáo đường đó nổi dần lên trong một buổi sáng sớm lúc biển còn tĩnh lặng, trong vắt và không một tiếng sóng. Trong tác phẩm này ta nghe như có cả tiếng cầu nguyện, tiếng chuông, tiếng đàn organ ống, và sự bay lên từ từ của cả toà giáo đường (tất cả chỉ thể hiện bằng đàn piano).
 
Những tác phẩm của Debussy nên thơ là vậy nhưng đối với giới học nhạc chuyên nghiệp thì nó lại luôn gây tranh cãi lớn. Người ta không đồng ý với nhau về cấu trúc của tác phẩm, tranh luận về thang âm, điệu thức, hoà thanh thậm chí cả chủ đề âm nhạc. Chính vì sự “nhập nhằng”, không rõ ranh giới như vậy nên nó không thuộc về trường phái âm nhạc cổ điển.
 
Người ta xếp âm nhạc của Debussy vào âm nhạc ấn tượng (gồm có đại diện nổi bật là chính ông và Ravel), hay như cái cách người ta ví ông là “Monet của âm nhạc” vậy.