gac an yen

7 loại hình nghệ thuật lớn của nhân loại

Có nhiều cách sắp xếp và phân loại về các loại hình nghệ thuật trên thế giới. Mặc dù ngày nay có một số loại hình nghệ thuật mới phát triển nhưng vẫn chưa đủ lớn để có thể chen chân vào nhóm 7. Thế nên người ta vẫn thống nhất có 7 loại hình nghệ thuật và một trong số các phân loại được nhiều người đồng tình nhất và còn giữ cho đến bây giờ. Đó là:

  1. Kiến trúc
  2. Điêu khắc
  3. Hội họa
  4. Âm nhạc
  5. Văn chương
  6. Sân khấu
  7. Điện ảnh

Tổng quan về các loại hình nghệ thuật

1. Kiến trúc

Kiến trúc (và trang trí) là loại hình nghệ thuật xuất hiện rất sớm trong lịch sử xã hội loài người. Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật mà cho đến ngày nay trong nghệ thuật vẫn còn diễn ra những cuộc tranh cãi rằng, nó có thuộc nghệ thuật hay không? Xét về chức năng của nó, thì kiến trúc là thực dụng, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của xã hội, và trước hết là nhu cầu về nhà ở, công trình để lao động, nghỉ ngơi và điều hành các chức năng xã hội. Nhưng đồng thời kiến trúc là một nghệ thuật riêng biệt, trong đó cũng như nghệ thuật ứng dụng, điều có ý nghĩa quan trọng không chỉ là chức năng thực dụng, công dụng thực tế của các công trình, mà còn là bản chất thẩm mỹ của chúng, sự tác động giữa tư tưởng, tình cảm, sự thỏa mãn nhu cầu cái đẹp của con người.

Là nghệ thuật chiếm lĩnh không gian, bằng phương pháp tạo hình, nên cái đẹp trong kiến trúc được tạo dựng thông qua hình khối, đường nét, các tỷ lệ, nhịp điệu và kiểu dáng như cao – thấp, rộng – hẹp, cong – thẳng, dày – thưa. Nhưng do những điều kiện lịch sử, tôn giáo khác nhau mà các phong cách kiến trúc cũng khác nhau. Do đó, kiến trúc châu Âu khác với kiến trúc châu Á, kiến trúc Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo cũng khác nhau.

Trong đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật kiến trúc tác động, gợi ý nghĩa bằng đặc tính chất liệu của nó từ đất, đá, gỗ, mây, tre, nứa, lá, kim loại. Kiến trúc bao gồm nhiều thể loại được phân theo chức năng của công trình như kiến trúc dân dụng, kiến trúc công cộng, kiến trúc tôn giáo, công viên.

Đền Taj Mahal ở Ấn Độ

2. Điêu khắc

Điêu khắc là loại hình nghệ thuật không gian, nó phản ánh hiện thực bằng hình khối không gian ba chiều có thể tích. Đối tượng căn bản gần như độc nhất của điêu khắc là con người. Do chỗ điêu khắc hầu như không thể hiện bối cảnh, hoàn cảnh hoạt động của nhân vật, việc thể hiên hình tượng hầu như hoàn toàn dựa vào cách thể hiên diện mạo bên ngoài của con người; nhưng nó còn phát hiện bản chất bên trong của đối tượng, thể hiện những phẩm chất tiêu biểu của đối tượng.

Tượng là không gian hình khối, được chia thành hai loại như tượng tròn, tượng nửa khối gắn nổi trên mặt phẳng gọi là tượng đắp nổi. Trong tượng tròn có nhiều nhân vật (đối tượng) là cách gọi theo chức năng và qui mô của nó như tượng đài, tượng trang trí (do đặt nơi công cộng ngoài trời hay trong nội thất). Chính vì vậy, sản phẩm của điêu khắc có nhiêu loại như tượng tròn, chạm nổi, khắc chìm với những kích cỡ to, nhỏ khác nhau, tượng trang trí, chân dung.

Chất liệu có ý nghĩa rất quan trọng với ngôn ngữ điêu khắc và nó luôn thề hiện ở chất liệu gỗ, đá, thạch cao, kim loại…

Tượng David của Michelangelo

3. Hội họa

Hội họa là nghệ thuật không gian mặt phẳng, tìm không gian ba chiều trên mặt phẳng. Tuy chỉ ghi được một khoảnh của hành động, song nó vẫn có khả năng thể hiện được ý nghĩa của cử chỉ, động tác của đối tượng và nó cũng thể hiện được hình khối của đối tượng dưới những hình thức cụ thể khác nhau. Khi cảm thụ tác phẩm hội họa chúng ta vẫn có cảm giác được chiều sâu, độ gần xa về khoảng cách của bố cục theo tiêu điểm, diện về mặt đường nét, mầu sắc của đối tượng phản ánh, thậm chí cả cảm giác được cái sinh động, sống động như thật của đối tượng.

Trong hội họa đường nét, màu sắc là ngôn ngữ đặc trưng của hội họa. Hội họa có ưu thế đặc biệt trong việc phản ánh thế giới với mọi màu sắc phong phú, tinh tế của nó và hòa sắc của tác phẩm làm cho nó có sức biểu hiện sâu sắc, tế nhị về tình cảm. Ánh sáng, bóng tối và sự kết hợp uyển chuyển giữa các đường nét, màu sắc với các thủ pháp xa – gần (khoảng cách phù hợp) của hội họa tạo ra cảm giác không gian ba chiều. Khả năng tạo hình của hội có ý nghĩa rất lớn, nó nói lên được tư tưởng và tình cảm con người trên mọi cung bậc và sắc thái khác nhau. Song hội họa chỉ có thể gợi lên quá trình phát triển của các biến cố trong phạm vi những khoảnh khắc mà nó thể hiện chứ không miêu tả được đầy đủ quá trình phát triển sinh động của hiện thực như văn chương, điện ảnh, hoặc sân khấu.

Bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci

4. Âm nhạc

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thời gian, sử dụng âm thanh để thể hiện tâm tư, tình cảm, tư tưởng và những mong muốn của con người. Âm nhạc tác động đến con người qua ngôn ngữ riêng của nó, bằng chủ đề âm nhạc, hình tượng âm nhạc, nội dung cũng như hình thức.

Điều đáng chú ý là âm nhạc phát hiện các trạng thái nội tại mà không cần phải miêu tả các hình thái bên ngoài của chúng như các loại hình nghệ thuật khác, nó chỉ tập trung biểu hiện cảm xúc và rung động trong quá trình phát triển liên tục và năng động của nó với tất cả cá sắc thái và sự chuyển hoá phong phú. Chính vì vậy người ta coi âm nhạc nói với con người bằng “ngôn ngữ trực tiếp của tâm hồn”, vì rằng cơ sở nội dung trong hình tượng âm nhạc trước hết là những cảm xúc, những tình cảm của con người.

Đối với âm nhạc, tình cảm không chỉ là đối tượng phản ánh gần gũi, sinh động, tinh tế nhất mà còn là phương tiện để trình bày một chân dung cuộc sống rộng lớn, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Âm nhạc là một phương tiện mạnh mẽ, tinh tế, năng động để giáo dục thẩm mỹ, tình cảm cho con người.

Dàn nhạc giao hưởng Berlin

5. Văn chương

Văn chương giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống các loại hình nghệ thuật. Bởi ngôn ngữ của văn chương làm cơ sở biểu hiện cho nhiều loại hình nghệ thuật (làm kịch bản cho sân khấu, điện ảnh, phần lời cho âm nhạc, vũ điệu, lời bình cho cho việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật khác).

Ngôn ngữ văn chương là ngôn từ, hay nói chính xác là ngôn ngữ của con người làm phương tiện xây dựng hình tượng để phản ánh cuộc sống. Với lợi thế của ngôn từ, văn chương có thể đề cập tới mọi phương diện của đời sống hiện thực; có khả năng phản ánh linh hoạt, nhanh nhạy và đầy đủ, chính xác đến mọi góc cạnh tính cách của nhân vật hoặc của cuộc sống xã hội. Là loại hình nghệ thuật có khả năng tạo hình và có khả năng biểu hiện đa dạng, nó không những có thể mô tả con người với những hành động cụ thể trong khoảnh khắc và cả quá trình, mà còn có thể nói rõ và đầy đủ những tư tưởng, tình cảm của con người một cách tinh vi và sâu sắc.

Bìa “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

6. Sân khấu

Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp có lịch sử lâu đời. Bằng sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác như văn chương, hội họa, kiến trúc, âm nhạc, múa và hiện nay còn bao gồm cả điện ảnh. Sân khấu tạo nên các hình tượng nghê thuật sống động đối với công chúng nghệ thuật. Ngôn ngữ đặc trưng là hành động (hành động hình thể, hành động tâm lý, hành động ngôn ngữ), thông qua diễn xuất của diễn viên. Hành động sân khấu là hành động kịch, hành động mang tính xung đột, nhằm biểu hiện tư tưởng của kịch mang tính nhất quán chứ không phải bất kỳ hành động có tính chất ngẫu nhiên nào.

Kịch bản văn chương là cơ sở của chủ đề tư tưởng, là cái cốt của tác phẩm sân khấu. Diễn viên là người biểu hiện ý đồ của vở diễn, nhưng họ có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự thành công hoặc thất bại của vở diễn. Ngoài nhân tố cơ bản là hành động kịch, nghệ thuật sân khấu còn có những phương tiện như âm nhạc, múa, trang trí, đạo cụ hỗ trợ cho diễn xuất. Ở đây, vai trò của diễn viên là vô cùng quan trọng.

Sân khấu kịch Hy Lạp cổ đại

7. Điện ảnh

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật trẻ, nó xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Chính vì xuất hiện trễ nhất nên nó được xếp sau cùng, được gọi là “Nghệ thuật thứ 7”. Tuy nhiên, sau khi ra đời nó đã trở thành loại hình quan trọng bậc nhất xét về tính quần chúng rộng lớn của nó, đáp ứng cao nhu cầu thẩm mỹ của thời đại.

Sự ra đời của điện ảnh gắn liền với tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và công nghệ. Nó kết hợp các thành tựu của khoa học và công nghệ với các phuơng tiện của nhiều loại hình nghệ thuật khác tạo cho điện ảnh có tính tổng hợp cao nhất.

Phương tiện ngôn ngữ của điện ảnh cũng là hành động nhưng nó khác với sân khấu. Ở đây hành động nhân vật vẫn là yếu tố hạt nhân, nhưng đồng thời nghệ thuật quay phim, dựng phim, cũng có một ý nghĩa quyết định. Bởi hình ảnh phim là hình ảnh không gian đa chiều hết sức đa dạng và phong phú được đạo diễn và nghệ sỹ quay phim biến đổi liên tục theo những góc độ, tầm cỡ, cự ly khác nhau để biểu đạt tư tưởng, tính cách, nhân vật.

Cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật điện ảnh lệ thuộc vào nghệ thuật dựng phim khi xét nó từ quá trình kịch bản văn học sang kịch bản phim, kịch bản phân cảnh đến dựng phim đó là cả một quá trình sáng tạo thể hiện ý đồ của đạo diễn trong việc tạo ra tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra còn có vô số các yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật khác có vai trò hỗ trợ quan trọng dưới nhiều hình thức khác nhau: âm nhạc và âm thanh nói chung (tiếng động), ánh sáng, hội họa, trang trí – thiết kế nhân vật và bối cảnh.

Cảnh mở đầu trong phim “Bố già” – Phần 1