gac an yen

Âm nhạc trong kịch nói

Trong sân khấu luôn có sự tham gia của nghệ thuật âm nhạc. Từ những hình thức sơ khai của sân khấu như các trò diễn, các hình thức kể chuyện sử thi của các dân tộc trên thế giới… đến các hình thức sân khấu lớn như kịch nói của phương Tây, Tuồng, Chèo, Cải lương của Việt Nam… đều có mặt của âm nhạc. Thậm chí, có người còn cho rằng, một vở kịch dù nhỏ đến đâu nếu như không có sự tham gia của âm nhạc thì khó có thể nói đó là một tác phẩm hoàn chỉnh.

Gác đã từng đi xem những vở kịch mà ở đó người ta không biết cách sử dụng hoặc sử dụng một cách bừa bãi âm nhạc khiến cảm xúc bị ảnh hưởng rất lớn khi theo dõi vở kịch đó. Trong sân khấu kịch nói, âm nhạc thường tham gia vào các phần mở màn, kết thúc, làm nhạc nền, nhạc chen, nhạc chuyển màn, chuyển cảnh… góp phần tạo hình tượng, tăng thêm tính kịch và nhiều khi còn có những tiết mục âm nhạc hoàn chỉnh để miêu tả tâm trạng nhân vật hoặc làm nền bổ sung cho tình tiết kịch.

Thí dụ, trong vở kịch nói “Peer Gynt”, nhạc sĩ người Na Uy Edvard Grieg đã viết phần âm nhạc cho vở kịch của nhà viết kịch đồng hương nổi tiếng Henrik Ibsen như những tiết mục âm nhạc hoàn chỉnh, trong đó giai điệu đầy chất thơ đẹp như hoa đồng nội của bài hát “Solveig’s song – Khúc hát nàng Solveig” (làm nền cho cảnh Solveig tóc bạc trắng đứng trên bờ biển chờ đón Peer Gynt tàn tạ trở về và chết trong vòng tay của Solveig) đã làm cho người xem phải xúc động. Phần âm nhạc của vở kịch Peer Gynt sau này đã được Grieg tách ra viết thành tổ khúc (suite) cho dàn nhạc giao hưởng và là một trong những tổ khúc xuất sắc của âm nhạc lãng mạn thế kỷ XIX.

“Solveig’s song” của Edvard Grieg

Bản nhạc “Khúc hát nàng Solveig” của Edvard Grieg

Ở Việt Nam, sân khấu kịch Hồng Hạc là một trong những sân khấu chuyên nghiệp trong việc đặt hàng nhạc sĩ sáng tác nhạc riêng cho những vở kịch của mình mà không “chọn nhạc” như các sân khấu khác.

 

Một số poster kịch của sân khấu Hồng Hạc (ảnh Facebook sân khấu Hồng Hạc)

Ca khúc chủ đề của vở “Thiên thần nhỏ của tôi” – Âm nhạc: Vũ Phúc Ân