gac an yen

Chopin, Szpilman, và thảm họa Holocaust trong The Pianist (2002)

Bộ phim “The Pianist” của Roman Polanski kể về một người Do Thái Ba Lan, một nhạc công dương cầm, người đã sống sót qua Thảm họa diệt chủng Holocaust dựa vào sự khắc kỷ và may mắn. Đây không phải là một bộ phim giật gân, và tránh bất kỳ mọi cám giỗ để tăng sự hồi hộp hoặc cảm xúc; đây là câu chuyện về những gì người nhạc công chứng kiến và những gì xảy ra với anh. Việc anh sống sót không phải là một chiến thắng khi tất cả những người anh yêu thương đã chết; Polanski, khi nói về những trải nghiệm của chính mình, đã nói rằng cái chết của mẹ ông trong phòng hơi ngạt vẫn quá đau đớn đến nỗi chỉ có cái chết của chính ông mới kết thúc nỗi đau này.

Bộ phim dựa trên cuốn tự truyện của Wladyslaw Szpilman, người đang biểu diễn một nhạc phẩm Chopin trên đài phát thanh Warsaw khi những quả bom đầu tiên của Đức rơi xuống. Những người Do Thái ở đó bị buộc dời đến khu biệt cư, sau đó đưa lên tàu hỏa đến các trại tập trung. Szpilman được một người bạn cứu thoát khi gia đình anh bị đưa lên tàu. Sau đó, bộ phim là một câu chuyện phi thường về sự sinh tồn của Szpilman khi lẩn trốn ở Warsaw với sự giúp đỡ của quân kháng chiến Ba Lan.

Szpilman là một người rất nghiêm túc với âm nhạc, anh ta biết mình giỏi, và có một sự xa cách với cuộc sống xung quanh mình. Nhiều lần ta thấy anh trấn an người khác rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi; niềm tin này không dựa trên sự thật hay sự lạc quan, mà là niềm tin rằng với bất kì ai chơi piano giỏi như anh, mọi chuyện sẽ phải ổn.

Bản thân Polanski là một người sống sót sau thảm sát Holocaust, trốn thoát khỏi trại tập trung khi cha ông đẩy ông luồn qua hàng rào dây thép gai. Ông lang thang ở Krakow và Warsaw, chỉ là một đứa trẻ sợ hãi, và được chăm sóc bởi lòng tốt của những người lạ. Sự sống sót của ông (và của cha ông) là một sự kiện rất ngẫu nhiên như Szpilman đã sống sót vậy. Polanski biết rằng số phận và cơ hội giữ vai trò rất quan trọng trong hầu hết sự sinh tồn.

Bằng cách thể hiện Szpilman là một người sống sót nhưng không phải là một chiến binh hay

một anh hùng – anh đã làm tất cả những gì có thể để tự cứu mình nhưng sẽ chết nếu không có may mắn to lớn và lòng tốt của những người lạ – Polanski đang muốn nói: ông đã sống sót, nhưng ông không cần điều đó khi sự qua đời của mẹ ông đã để lại một vết thương không bao giờ lành.

Cuốn tự truyện của Szpilman được xuất bản lại vào những năm 90, và Polanski đã biến nó thành một câu chuyện của một nhân chứng, người đã ở đó, chứng kiến, và không bao giờ quên.

Nguồn: Roger Ebert – Lược dịch: Gác

Cảnh Szpilman gặp sĩ quan Đức Hosenfeld tại một căn nhà hoang ở Warsaw