gac an yen

Ảnh hưởng của phật giáo trong tác phẩm “Đoá hoa vô thường” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có tâm sự với hoà thượng Thích Tâm Thiện rằng: “Thuở nhỏ, tôi hay đi chùa vì thích sự yên tĩnh. Có thể vì tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được còn có lời kinh vô tình nằm trong lời ca”. (tạp chí Phật Giáo Giao Điểm tháng 3/1999).

Hãy cùng Gác tìm hiểu những ảnh hưởng của Phật giáo trong tác phẩm “Đoá hoa vô thường” của vị nhạc sĩ tài hoa này.

Trước tiên chúng ta hãy cùng nghe tác phẩm này qua giọng ca của ca sĩ Hồng Nhung:

 

PHÂN TÍCH “ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG”

Phần lời của “Đóa hoa vô thường” như một bài thơ, tác phẩm bắt đầu với đoạn nhạc có ca từ như một đoạn thơ

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới

Có người cho rằng “em” ở đây là một chủ thể rõ ràng, là một “người tình” trong mộng mà tác giả đang đi tìm, điệp từ “tìm” nhấn mạnh trong đoạn đầu của bài cho ta thấy sự mãnh liệt thôi thúc trong tâm hồn của tác giả. Cũng có người cho rằng “em” ở đây chính là cách nói ẩn dụ của “cõi vô biên, vô thường” của Phật pháp. Nhưng dù “em” được hiểu theo ý nào đi chăng nữa thi ắt hẳn phải yêu lắm, phải khát khao lắm và phải dữ dội lắm mới thôi thúc nhạc sĩ tìm kiếm như vậy, qua suốt chiều dài không gian và thời gian. Riêng chúng tôi thì nghiêng về trường hợp thứ nhất hơn (chúng ta sẽ rõ khi phân tích sâu hơn ở những đoạn sau), cõi “vô biên, vô thường” trong Phật giáo được tác giả mượn để miêu tả những gì mà con người không thể vươn tới được, không thể sở hữu, càng không thể giải thích được. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: ”Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu”.

Vậy vì sao lại “mình hạc xương mai”?

“Mình hạc xương mai” là một câu thành ngữ lâu đời cùng một kiểu cấu trúc cú pháp – ngữ nghĩa với hàng loạt câu khác: đầu bạc răng longđầu bù tóc rối, bụng cao dạ dốcbụng mang dạ chửa, bụng ỏng đít beo (teo), mặt bủng da chìlưng dài vai rộngmá đào mày liễumặt hoa da phấnmặt xanh nanh vàngmôi son má phấn, tóc bạc da mồitóc mây mày nguyệtvai u thịt bắp, v.v..

Đặc điểm của những thành ngữ này là câu nào cũng bao gồm hai danh ngữ chính phụ (từ đứng sau bổ nghĩa cho danh từ trung tâm đứng trước), hai danh ngữ này đẳng lập đối với nhau, các danh từ trung tâm đều là những danh từ chỉ bộ phận cơ thể của con người và toàn bộ thành ngữ có tác dụng miêu tả hình dạng của con người. Câu mình hạc xương mai  miêu tả hình dáng của những người mảnh khảnh, đặc biệt là phụ nữ.

Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng “mình hạc xương mai”“nhỏ xương ốm yếu, thanh cảnh, cốt cách lịch sự”Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – 2007) giảng là “ví thân hình mảnh mai, duyên dáng của người phụ nữ”.

Đó là vẻ bề ngoài (cách), còn bên trong (cốt) thì sao, “em” phải có một nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối”. Tại sao tác giả lại đi tìm một người phụ nữ mảnh mai cả trong cốt và cách? Có lẽ là một tình yêu lớn mà ông dành cho, bao gồm cả sự chở che và tôn thờ. Người phụ nữ như vậy ở ngoài đời thực cũng rất hiếm gặp, chả trách tác giả phải cất công tìm kiếm nhiều như vậy!

Ví như đi khắp núi rừng để tìm một cành hoa đẹp, tìm “một hồn giấy mới” thật mong manh và trinh trắng!

Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài

Như đã phân tích ở trên, ở không gian rộng lớn (non ngàn), rồi lại đến thời gian đêm và ngày. Tác giả tìm khi ngày còn “tinh khôi” nhưng vẫn tự dằn vặt bởi như vậy là chưa đủ vì “tìm đêm chưa từng”, nếu có thể không vì giới hạn về mặt thể chất của con người thì có lẽ ông sẽ đi tìm xuyên ngày đêm. Hình ảnh trong ca từ của Trịnh Công Sơn rất đẹp và giàu chất thơ, nó không hẳn là thực tại mà cũng không là hư vô, nó mờ ảo đủ để người nghe phải chiêm nghiệm. Chiều không gian không những được miêu tả theo bề rộng mà còn được thể hiện qua chiều cao “tìm chim trong đàn”, “tìm trên sông”. Như chúng tôi đã nói ở trên, thủ pháp sáng tác được tác giả sử dụng trong đoạn này là “âm hình chủ đạo – Leitmotiv”, điều này thể hiện một sự lặp lại những quá trình tìm kiếm đều đặn của ông. Âm nhạc mở đầu bằng những quãng 4 (G-C), (C-F), (G-C), (E-A) tạo cảm giác cứng cỏi do tính chất quãng nhạc mang lại. Giai điệu lượn sóng tạo một cảm giác “non ngàn” rõ nét. Tác giả khéo léo kết hợp tâm lý quãng và ca từ tạo một hiệu quả mạnh mẽ đến người nghe “Nụ cười mong manh” (quãng 4 Đúng nối tiếp quãng 3 Trưởng) và (“hồn yếu đuối” quãng 3 thứ) Âm nhạc và lời ca hòa quyện rất chặt chẽ! Sự tinh tế được thể hiện bằng việc mở đầu tác phẩm ở giọng Đô Trưởng và chuyển điệu sang giọng La thứ với câu “Tìm lại trên sông những dấu hài”, rất hài hòa về cảm xúc âm nhạc và lời ca. Ôi “dấu hài” mà tìm trên sông, quả là “vô thường” vậy!

Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em

Một lần nữa chiều không gian lại được nói đến “tìm em xa gần”, đất trời cũng “rộn ràng”, liệu đất trời cổ vũ tình thần người trai hay đây chính là sự lạc quan của tác giả mặc dù vẫn chưa tìm thấy “em”? Dù cho “chiều bạc mệnh” hay ngay cả khi “trăng tàn nguyệt tận”, có lẽ đã đến cuối cùng của sự chịu đựng nhưng ông cũng “chưa từng tuyệt vọng”. Tác giả đã khéo léo chuyển hai nốt cuối từ C sang C# tạo một quãng 3 Trưởng rất sáng, rất tươi thể hiện rõ “chưa từng tuyệt vọng”. Đây chính là minh chứng nữa cho sự hòa quyện giữa âm nhạc và lời ca, rất tinh tế và rất đắt để rồi dẫn dắt người nghe sang cung La Trưởng vui tươi (đã tìm thấy em)

Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn

Trịnh Công Sơn đã tìm “người tình” của mình trong “cõi tạm”, giữa đời thực rồi tìm cả trong cõi “vô thường” của tâm linh. Ở đây ta thấy sự ảnh hưởng tư tưởng Phật pháp đến sáng tác này rất rõ qua từ “kinh” được nhắc lại rất nhiều lần trong bài. Rồi đột nhiên bỗng tác giả thấy em ở ngay “dưới chân cội nguồn”. “Em” là gì đó rất xa xôi nhưng cũng rất gần, rất chân thực. Chúng ta để ý rằng khi “Em” xuất hiện là lúc “sấm bay rền vang”. Thủ pháp sáng tác tiếp tục với “âm hình chủ đạo”.

Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm

Hình ảnh trong ca từ Trịnh Công Sơn rất đẹp, nó đẹp tựa những bức tranh! Thật khó mà khắc họa được hình ảnh giàu cảm xúc như vậy chỉ trong 4 từ “đêm gội mưa trong”, quả là bậc thầy về ca từ! Sau “sấm”“mưa”, “tôi mời em về” khi “mưa”, khắc họa sự việc thật hình ảnh! “Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm” lại không rõ ranh giới giữa thực và ảo, hình ảnh Phật giáo được đưa vào thông qua “hương trầm”. Nghệ thuật đảo vị trí chức năng từ trong câu “hương trầm thơm ngát” thành “thơm ngát hương trầm” hay được Trịnh Công Sơn vận dụng để tạo ra một sự cuốn hút và lạ cho tác phẩm của mình. Ở trong bài “Rừng xưa đã khép” với câu mở đầu “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” ông đã đảo “cọng buồn cỏ khô” thay vì “cọng cỏ khô buồn”.

Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh

“Sấm”, “mưa” và bây giờ là “tạnh”. Người ta thường nói “sau cơn mưa trời lại sáng”. Quá trình gặp gỡ rồi trao tình diễn ra rất dữ dội như thế nhưng tác giả chỉ dùng động từ “mời về”. Trong tình yêu đôi khi không cần nói quá nhiều, sau những gì mà tác giả đã trải qua khi đi tìm thì đã đủ để nói rồi. Người con gái cũng sẽ hiểu rằng tìm được đến mình thì người trai đã phải trải qua bao khó khăn nhường nào rồi cho nên một câu nói sáo rỗng thực sự không cần thiết lúc này nữa. “Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh”, Trịnh Công Sơn rất yêu “Quỳnh”, “Quỳnh” xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của ông “Quỳnh hương”, “Chuyện đóa quỳnh hương”,… “Hoa Quỳnh” là hình ảnh ẩn dụ của “người con gái” mà tác giả muốn nói đến.

Hoa quỳnh tượng trưng cho cái “vẻ đẹp chung thủy”, vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ, cũng như một tình yêu đầu tiên nguyên thủy và duy nhất dâng hiến cho người tình trăm năm.

Quỳnh hương hay quỳnh hoa là một loài hoa đặc biệt. Hoa đâm ra từ lá chứ không phải từ thân cây như nhiều loài hoa khác. Quỳnh chỉ nở về đêm, khoảng 8h-9h tối và tàn lúc 11h-12h đêm. Mùi hương rất dễ chịu, làm ngất ngây nhưng không quá nồng nàn như hoa sữa. Rất lâu mới nở một lần nhưng rồi lại tàn nhanh. Khi tàn, nhìn cánh hoa buồn và đầy tâm trạng, như chất chứa một điều gì đó còn vương vấn, giống một sắc đẹp tận hiến cho đời rồi lặng lẽ tàn phai.

Thưởng thức hoa quỳnh là một thú vui tao nhã … Các cụ ngày xưa mỗi lần biết hoa sắp nở , mời thêm vài người bạn thân đến chơi, trong khi chờ ngắm thưởng ngoạn hoa nở, cụ thường hay trịnh trọng pha một ấm trà thật ngon, khói bốc thơm nghi ngút, vừa nhấm nháp trong khi chờ đợi khai hoa nở nhụy … chiêm ngưỡng nhan sắc của một loài hoa.

Lặng lẽ bốn mùa với nắng mưa, hoa có thể nở bất cứ giờ phút nào trên trái đất này, từ lúc tinh mơ khi những hạt sương óng ánh còn vắt vẻo trên cành cây, hoặc lúc ban trưa với những vạt nắng xiên khoai gay gắt, hay những buổi chiều chạng vạng … Nhưng có lẽ không nhiều người được tường tận một thế giới huyền bí kỳ ảo của những loài hoa chỉ khoe sắc tỏa hương lúc hoàng hôn phủ kín dương gian, khi mặt trời lặn nhường chỗ cho những vì sao lấp lánh trên bầu trời đen . Đó là thế giới của loài hoa diễm lệ chỉ nở về đêm, theo ánh trăng trên cao… Những loài hoa này nhờ những côn trùng sống đêm mà thụ phấn, kết bông và nở hoa …. Thế giới ban đêm của loài hoa kỳ diệu là thế đó, thi nhau đua nở, tỏa hương thơm ngát, trong lúc phần đông chúng ta đang chìm đắm trong giấc ngủ chập chờn mộng ảo… Và có thể nói hoa quỳnh là nữ hoàng kiều diễm lộng lẫy của thế giới về đêm …

Có một câu chuyện nói về sự tích hoa quỳnh:

“Tùy Dạng Đế là ông vua vô đạo của Trung Quốc. Một đêm, ông vua này nằm mơ thấy một cây trổ hoa rất đẹp. Cũng đúng lúc đó, trước cửa ngôi chùa cổ kính Dương Ly tại thành Lạc Dương, tỉnh Dương Châu, có một luồng sáng rực lên như lửa cháy, nhưng không gây mùi khét mà tỏa hương thơm sực nức.

Sáng hôm sau, dân chúng bàng hoàng khi thấy gần giếng nước trong sân chùa mọc lên một cây hoa lạ, trên ngọn trổ một đóa ngũ sắc với 18 cánh lớn ở phía trên, 24 cánh nhỏ ở phía dưới. Mùi hương của loài hoa này thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi, lan xa đến ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là hoa quỳnh.

Được tin hoa đẹp, Tùy Dạng Đế liền quyết định tuần du Dương Châu để thưởng ngoạn. Nhưng khốn nỗi khi thuyền rồng của nhà vua chưa cập bến Dương Châu thì cũng là lúc bông hoa quỳnh đẹp kia vừa độ rụng cánh sau trận mưa lớn. Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa song chỉ còn thấy trơ vơ cánh hoa úa rũ, tan tác. Tức giận, nhà vua ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi.

Từ đó loài hoa quỳnh không nở ngày và không thơm cho khắp thế gian nữa. Nó chỉ khiêm nhường nở về đêm và chỉ dành cho những tâm hồn thanh tao biết đợi chờ.”

Toàn đoạn này (A) ta có thể thấy tác giả sử dụng thể loại thơ 4 chữ, ngoại trừ 2 câu để tạo kết cho âm nhạc nên thiếu hoặc thừa 1 từ “Tìm lại trên sông những dấu hài” “Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em”.

Đến đoạn B tác giả chuyển sang sử dụng thể thơ lục bát. Có thể thấy ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn rất giàu chất thơ là vậy, từ hình ảnh, biện pháp tu từ, kết cấu và thể loại thơ được tác giả vận dụng rất nhuần nhuyễn và tài tình!

Từ nay tôi đã có người có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa

Ta bắt gặp hình ảnh “con chim” lần nữa trong bài, ở lần đầu là “Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương mai” và giờ đây là “có em đi đứng bên đời líu lo”. Tại sao Trịnh Công Sơn là đã dùng hình ảnh con chim mà không phải một loài nào khác? Chim là loài tượng trưng cho sự tự do. Chúng ta bắt gặp hình ảnh này trong vở opera “Carmen” của nhà soạn nhạc Pháp George Bizet với phần lời của Henri Meilhac và Ludovic Halévy dựa trên truyện “Carmen” của Mérimée. Ở Màn 1, với Aria của Carmen (“Habanera” – “Tình yêu là một con chim bất trị”)

Tình yêu là con chim bất trị
Chẳng ai thuần hóa được nó đâu,
và gọi nó cũng chỉ uổng công
nếu nó đã định tâm cự tuyệt!

Một sự tự hào của nhạc sĩ, sự tự hào về người con gái của mình. Tự hào bởi vì bên cạnh một ngoại hình và tính cách “tinh khôi” còn là cả một quá trình tìm kiếm đầy gian truân của tác giả. Ở đây tính cách người con gái được thể hiện qua động từ “nói thưa”, một người con gái rất “ngoan” có gì đó rất Huế chăng?

Từ em tôi đã đắp bồi có tôi trong dáng em ngồi trước sân

Một người trai khi có được người con gái mà bấy lâu nay mình mải miết đi tìm thì khi luôn muốn hoàn thiện mình “đắp bồi” để xứng đáng với tình cảm của người mình yêu. Khi đó 2 con người, 2 tâm hồn đã hòa quyện thành một “có tôi trong dáng em”. Victor Hugo đã từng nói rằng: Được yêu, một sự kiện quan trọng biết bao! Yêu, càng trọng đại hơn nữa! Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao thượng và lớn lao.” Niềm hân hoan vui sướng của nhạc sĩ được nâng lên qua thủ pháp chuyển điệu, chuyển âm vực (từ Rê Trưởng sang Sol Trưởng)

Mùa đông cho em nỗi buồn, chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên, chút tình mới chớm đã viên thành

Tưởng như hạnh phúc từ đây sẽ tràn đầy nhưng tác giả lại gây ngạc nhiên cho chúng ta khi xuất hiện “nỗi buồn”, mà lại là nỗi buồn vào “mùa đông” lạnh lẽo. Đây có lẽ là dấu hiệu báo trước cho một cuộc “chia ly”, một nỗi buồn lớn sau này… Ca từ thật giàu hình ảnh và xúc cảm để nói đến đoạn chuyển biến tâm trạng của người con gái. Chúng ta lưu ý địa điểm “đầu sông” nơi người con gái đứng đón nỗi buồn bằng cách “hát kinh”. Âm nhạc ở đây được chuyển sang giọng Sol thứ mang một nỗi hoài niệm, một nỗi buồn riêng trong tâm trạng người con gái…

           Từ nay anh đã có nàng biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà có con chim hót tên là ái ân

Có lẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa nhận ra được nỗi buồn đó sẽ có ảnh hưởng đến 2 người sau này thế nào. Ông vẫn vui, vẫn hân hoan. Niềm vui của chàng nghệ sĩ đã buộc cả núi sông lên tiếng ca để rồi từ đây khắp nơi đều là “mùa xuân”, khắp chốn đều vui mừng cho cặp đôi, kể cả một loài chim mới mà ông gọi tên là “ái ân”.

Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào
Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình. Em buồn đền trọn mối tình

Trải qua giai đoạn yêu nhau “có vui cùng sầu” , từ “rạng đông” đến “đêm”. Ở đoạn này tác giả đã so sánh em với “Sen”, “Sen hồng một độ”, “Em hồng một thuở”, “sen buồn”, “em buồn”. Sen cũng là một loài hoa thanh nhã, một biểu tượng của phụ nữ Việt.

Một chiều em đứng cuối sông gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non, những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà

Vị trí của “em” hiện tại là “cuối sông” so với “đầu sông” ở đoạn trên, thời gian là “mùa thu” so với “mùa đông”. Đây có lẽ là thời điểm kết thúc của một mối tình tưởng như “viên thành” này! Những từ “tình em trối trăn”, “em muốn quay về”, “đành về” cho chúng ta thấy rõ điều đó. Vậy “em” muốn quay về đâu? Tác giả có nói rõ là “về với quê nhà”, vậy “quê nhà” ở đâu? Nếu như nơi này là “trần gian” thì “quê nhà” của “em” có lẽ là “thiên đường” là nơi “thần tiên”. Nửa thực nửa hư là phong cách trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Vậy người con gái trước giờ ở cùng với nhạc sĩ có thực không hay chỉ là ảo ảnh? Phải chăng “em” không thuộc về cõi này, người tình chỉ vào “cõi tạm” cùng nhạc sĩ và nay phải xa “trần gian” để về với “quê nhà”? Điều này chỉ Trịnh Công Sơn mới có thể trả lời…

Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa

Thể thơ 5 chữ được tác giả sử dụng ở đoạn này. “Áo xưa em là”, “là” ở đây có nhiều nghĩa, ta hiểu từ “là” theo nghĩa nào? Theo ý chúng tôi nghiêng về từ “là” có nghĩa là “lụa” nhiều hơn (lụa là).

Lý do thứ nhất: Đây là khổ thơ theo thể 5 từ cho nên không thể ngắt từ “là” ở cuối câu như vậy. Ví dụ ta nói từ “là” theo nghĩa thường gặp nhất: “Em là hoa hồng nhỏ” chứ không thể nói “Em là (ngắt) hoa hồng nhỏ”

Thứ hai đây là một thủ pháp so sánh: “Áo em là (lụa – rất mỏng)” với “mây phù du”. Do đó chúng tôi nghiêng về “lụa là” là vì vậy.

Hình ảnh “ngựa”“chuyến xe” xuất hiện rất nhiều trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn (Phúc âm buồn, Dấu chân địa đàng, Chỉ có ta trong đời, Một cõi đi về, Xin mặt trời ngủ yên,…) Ngựa và những chuyến xe phải chăng là đối tượng để chở những tâm trạng của người nghệ sĩ đã “mỏi chân” trước cuộc đời?

Từ đó ta nằm đau ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường

Trái ngược đoạn đầu tiên, đến đoạn cuối này nhạc sĩ lại khẳng định sự “vô thường” bằng cách lặp lại đến 3 lần “một chút vô thường”, “gió vô thường”“đóa hoa vô thường”. “Em” giờ đây không biết ở cõi “vô thường” nào nhưng “hoa” đã hóa thành “em”, “hoa là em”, “em” đã hóa thành “sương”, “em là sương” còn “ta” đã hóa thành “đêm” để “nở đóa hoa vô thường”.

Âm nhạc ở đoạn cuối này mang một nỗi buồn không lối thoát qua hàng loạt thủ pháp: sử dụng điệu tính Fa thứ, bắt đầu vào bằng quãng 6 thứ, câu nhạc được lặp lại 6 lần, âm vực của tác phẩm được đẩy lên cao nhất tạo một cao trào mạnh mẽ cho tác phẩm tạo nên sự day dứt mãi khôn nguôi!

KẾT LUẬN

“Đoá hoa vô thường” chỉ là 1 trong rất nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Ông từng tâm sự: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có nhiều năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có lẽ vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức bên cạnh những di sản văn hóa Đông – Tây góp nhặt được còn có lời kinh kệ nằm ở đấy”.

(Bài tiểu luận cao học nghệ thuật âm nhạc môn Triết học của Gác)