gac an yen

Cô dâu đang đến đây cùng Giấc mộng đêm hè

Ngày con gái đi lấy chồng, mẹ ngân ngấn giọt nước mắt hạnh phúc, cha trìu mến dắt tay con tiến vào lễ đường trao cho chàng rể tương lai, mọi ánh mắt khách mời đều hướng về phía cô dâu trong bộ váy cưới tinh khôi và rạng ngời. Âm nhạc được cất lên, mọi người muốn ngã ngửa… Hỏi ra mới biết, vì muốn âm nhạc thật hoành tráng nên người tổ chức hôn lễ đã chọn nhạc hòa tấu bài “Hòn vọng phu” của Lê Thương, thậm chí có người còn hát chúc mừng với ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến vì cứ nghĩ có “lấy chồng” là được!!! Các ca khúc trên dù hay nhưng khi đứng vào khung cảnh một lễ cưới thì không thích hợp một chút nào. Câu chuyện cười ra nước mắt như trên không hiếm trong các đám cưới ở nước ta. Vậy âm nhạc tối thiểu phải như thế nào để một buổi hôn lễ được trang trọng và xúc động, vui tươi và ngập tràn hạnh phúc? Ở những lễ cưới tại các nước phương Tây người ta gọi các bản nhạc đó là “Hành khúc đám cưới”, là những khúc nhạc cho đôi lứa yêu nhau và sẽ gắn bó với nhau hạnh phúc trọn đời.

 

HÀNH KHÚC ĐÁM CƯỚI

“Hành khúc đám cưới” (Wedding March) thường được dùng gọi chung cho các bản nhạc tấu tại lễ cưới khi cô dâu tiến vào nơi làm lễ cưới hoặc dùng để tiễn cô dâu chú rể ra khỏi lễ đường. “Hành khúc đám cưới” được viết bởi nhiều nhà soạn nhạc khác nhau, tuy nhiên để trở thành “Hôn lễ ca” như ngày hôm nay thì chỉ có hai bản, một bản dùng để mở đầu và một dùng để kết thúc hôn lễ. Người ta chọn để cô dâu tiến vào lễ đường theo nhạc trong vở Opera (nhạc kịch) “Lohengrin” của nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner (1813-1883) và đi ra trong giai điệu của nhà soạn nhạc người Đức gốc Do Thái Felix Bartholdy Mendelssohn (1809-1847) viết cho vở kịch “Giấc mộng đêm hè” của đại văn hào người Anh William Shakespeare (1564-1616)

CÔ DÂU ĐANG ĐẾN ĐÂY

“Cô dâu đang đến đây” (Here comes the Bride – theo cách gọi riêng của người Anh) là một “Hành khúc đám cưới” được trích từ opera “Lohengrin” (viết năm 1850) của nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner và đã trở thành bản “Hành khúc đám cưới” chuẩn mực được tấu lên ở đầu lễ cưới, điều hoàn toàn khác với nguyên bản trong tác phẩm, tấu lên khi cô dâu được hộ tống tới phòng tân hôn.

Bản nhạc “Cô dâu đang đến đây”

Lohengrin là một nhân vật huyền thoại trong văn học Đức. Chàng là một hiệp sĩ đến bằng con thuyền do thiên nga kéo để cứu một thiếu nữ tên là Elsa khỏi bị kết tội oan vì âm mưu giết hại em trai của mình. Lohengrin lấy Elsa làm vợ nhưng nàng không được phép hỏi danh tính của chồng, nếu không chàng sẽ phải trở về vùng đất của mình và xa lìa nàng mãi mãi. Cuối cùng, vì không kiềm chế được, Elsa đã hỏi câu hỏi cấm. Lohengrin ra đi vĩnh viễn.

Hình ảnh Lohengrin trong một tác phẩm hội họa

Thật ngạc nhiên, bản nhạc trên lại được viết nên bởi tác giả Wagner với tính cách gây nhiều tranh cãi, một người mà với đời sống hôn nhân vô cùng phức tạp lại để cho hậu thế những giai điệu đẹp tuyệt vời đến như vậy.

Here comes the Bride

Mặc dùHành khúc đám cưới” (Wedding March) dùng để chỉ bất kỳ ca khúc hay bản nhạc nào được chơi khi đón hoặc tiễn cô dâu trong lễ cưới, tuy nhiên khi nhắc đến “Wedding March” người ta thường nghĩ ngay đến “Cô dâu đang đến đây” hoặc một bản nhạc khác cũng nổi tiếng không kém là “Hành khúc đám cưới” của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn, nhà soạn nhạc đồng hương, nhưng đồng thời cũng là một đối thủ kình địch của Wagner về âm nhạc, tính cách và tư tưởng.

“HÀNH KHÚC ĐÁM CƯỚI” TRONG “GIẤC MỘNG ĐÊM HÈ”

Một Wagner phóng túng trái ngược với một Mendelssohn thanh lịch, một “đơn thương độc mã” cùng những quan điểm thẩm mỹ âm nhạc riêng và một luôn duy trì tính kinh điển trong các tác phẩm của mình. Felix Mendelssohn đã viết overture (Khúc mở màn) “Giấc mộng đêm hè” vào năm 17 tuổi cho vở kịch cùng tên của đại văn hào người Anh William Shakespeare, người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Năm 1842, sau 16 năm kể từ khi viết overture trên, Mendelssohn quay lại với vở kịch và viết phần âm nhạc hoàn chỉnh (Op. 61), kết hợp với overture trước đó (Op. 21) để trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. “Hành khúc đám cưới” là bản nhạc cuối cùng trong bộ tác phẩm Op. 61 của Mendelssohn. Chuyện tình yêu và hôn nhân trong “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare có một kết thúc đầy hạnh phúc trái với kết thúc bi thảm của Lohengrin và Elsa bởi sau cùng các nhân vật trong “Giấc mộng đêm hè” đều tìm thấy tình yêu đích thực của mình.

Bản nhạc “Wedding march” – F. Mendelssohn.

A Midsummer Night’s Dream 

“CÔ DÂU ĐANG ĐẾN ĐÂY” CÙNG “GIẤC MỘNG ĐÊM HÈ”

Sự kết hợp hai bản nhạc này lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1858 khi chúng được tấu lên trong lễ cưới Hoàng gia giữa công chúa Victoria của nước Anh và hoàng tử Frederick William nước Phổ. Từ đó, người đời sau dùng cặp “Hành khúc đám cưới” của hai nhà soạn nhạc trường phái âm nhạc lãng mạn lúc sinh thời luôn kình địch nhau cả về âm nhạc và tư tưởng để đón và tiễn cô dâu trong lễ cưới không chỉ ở đám cưới của Hoàng gia, những đám cưới Phương Tây mà ngày nay nó còn trở nên vô cùng quen thuộc tại các đám cưới ở các nước Châu Á trong đó có Việt Nam.

Đám cưới công chúa Victoria nước Anh và hoàng tử Frederick William nước Phổ – Tranh của George Hayter.

Phải chăng không phải vô tình mà “Hành khúc đám cưới” của Wagner lại được tấu lên trước, “Hành khúc đám cưới” của Mendelssohn tấu sau dùng để tiễn cô dâu khi đã làm lễ xong? Phải chăng niềm hạnh phúc trong âm nhạc của Mendelsshon cuối cùng cũng thay thế cho tất cả những buồn đau của trong âm nhạc của Wagner trước đó? Tình yêu, sự thù hận rồi sẽ tan biến nhường chỗ cho những thương yêu bất tận trong cuộc đời này. Niềm tin của nhân loại về một hạnh phúc vĩnh hằng sẽ không bao giờ thay đổi. Hãy lắng nghe những giai điệu bất hủ đang về quanh ta, “Cô dâu đang đến đây” cùng “Giấc mộng đêm hè”.

(Bài viết đăng trên tạp chí F-Flower của Gác)