gac an yen

Độc đáo đàn đáy

Như Giáo sư Trần Văn Khê đã nói: “Ca Trù là sự phối hợp đa dạng, tinh vi, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc. Ca Trù có những nét đặc thù trong hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc không tìm thấy trong các bộ môn nghệ thuật khác”. Cứ như thế, Ca Trù – một thể loại nhạc thính phòng với lối chơi phong lưu tao nhã – đã trải qua các thời đại, từ cung đình bước ra chốn dân gian, lúc được người người ca ngợi nhưng cũng có lúc rơi vào lãng quên.

Ca Trù, chỉ với một đào nương, một người gõ trống chầu và một người chơi đàn đáy, đã tạo nên một thể loại âm nhạc đặc sắc có nguồn gốc từ Việt Nam chứ không du nhập từ nước ngoài. Nhạc cụ luôn gắn liền với thể loại Ca Trù và chỉ có duy nhất ở Việt Nam, đó chính là đàn Đáy. Đàn Đáy độc đáo không chỉ bởi cấu tạo bên ngoài mà còn thể hiện sự độc đáo của mình qua tiếng đàn trầm đục, kỹ thuật diễn tấu và cả những cung điệu âm nhạc.

Nguồn gốc

Ở khu vực Đông Nam Á và trên khắp thế giới không có đàn nào có hình dáng, kích thước, cách đàn giống như đàn Đáy Việt Nam, đàn Đáy mang tính dân tộc rất rõ rệt. Đàn Đáy (hay Đới Cầm, Vô Đề Cầm) là nhạc cụ độc đáo mà từ hình dáng, âm thanh đến thể loại âm nhạc có một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc cổ truyền của người Việt.

Không rõ Đàn Đáy xuất hiện lần đầu vào thời điểm nào nhưng nhạc cụ này đã xuất hiện hơn 500 năm. Theo phó giáo sư tiến sĩ Thụy Loan thì các mảng điêu khắc ở đình Lỗ Hạnh, đình Hoàng Xá và đền Tam Lang (niên đại thế kỷ XVI – XVIII) cho ta biết đàn Đáy đã phổ biến trong dân gian vào thời nhà Mạc. Thời điểm xuất hiện của đàn Đáy theo đó được các nhà nghiên cứu nghi nhận sớm nhất là thế kỷ XV. Niên đại xuất hiện này hoàn toàn phù hợp với những ghi chép trong thư tịch cổ và những tư liệu mỹ thuật đã được phát hiện.

Đàn Đáy có tên gốc là “Đàn Không Đáy” tức “Vô Đề Cầm”, vì nó không có đáy (hậu đàn). Do đó người ta gọi tắt là đàn Đáy lâu ngày thành tên chính thức như hiện nay. Một giả thuyết khác cho rằng nhạc cụ này có dây đeo bằng vải, dây này trong chữ Hán là “Đái” (Đai) nên mới gọi là “Đàn Đái”, đọc chệch lâu ngày thành “Đàn Đáy”.

Đàn Đáy có dọc đàn (cần đàn) rất dài, có phím cao, có thể tháo ráp để di chuyển được vì cần đàn Đáy rời ra với thùng đàn, thùng đàn có 1 lỗ để cắm cần đàn vào trong thùng với một miếng tre để nêm chặt giữa cần đàn và thùng đàn. Đàn Đáy là một nhạc khí dây gảy độc đáo của dân tộc Việt, ở miền Bắc đàn Đáy xuất hiện từ đời nhà Lê (thế kỷ XV- XVIII). Đàn Đáy có 3 dây khác hẳn đàn Tam là mặt đàn làm bằng gỗ chứ không bịt da trăn, đàn Đáy có đủ khả năng của đàn Nguyệt, đàn Tam và đàn Tỳ Bà.

Đàn Đáy là một loại đàn đặc biệt do người Việt Nam sáng tạo, là loại nhạc khí chỉ có ở Việt Nam, trên thế giới không có một cây đàn nào giống cây đàn Đáy về hình dáng, cách lắp phím và cách diễn tấu. Đàn Đáy có đặc tính dân tộc rõ rệt với đặc điểm độc đáo là: ở ngón nhấn ở mọi cây đàn khác âm thanh sẽ nghe cao lên trong lúc ở đàn Đáy thì với ngón nhấn trong khi bấm lên dây, miết về phía bầu vang làm cho đoạn dây từ cung phím đến bộ phận mắc dây chùng xuống âm thanh sẽ nghe thấp đi cách đàn có tiếng lia, tiếng vẫy, tiếng mượn…

Có một số truyền thuyết về cây đàn Đáy như sau:

Một chi tiết rất đáng chú ý trong các truyền thuyết về tổ nghề Ca Trù là truyền thuyết về cây đàn đáy. Đàn đáy là một nhạc cụ không thể thiếu được của hát Ca Trù mà hẳn ai cũng biết rằng “phi đàn đáy bất thành Ca Trù”. Trong tất cả cá truyền thuyết về tổ Ca Trù ở nhiều vùng mà hiện nay chúng ta còn có được chỉ có vùng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là có truyền thuyết về sự ra đời của cây đàn đáy.

Theo truyền thuyết thì tiên ông đã ban cho Đinh Lễ khúc ngô đồng và tờ giấy vẽ kiểu mẫu đàn để ông chế tác ra cây đàn đáy. Tiên ông có dặn rằng: “Tiếng đàn gẩy lên sẽ trừ dược ma gủy, người ốm nghe khỏi bệnh, người buồn phiền nghe hóa vui vẻ”. Và cũng theo truyền thuyết, khi thành hình, chiếc đàn đáy có công hiệu phi thường, chẳng những cảm hóa được vạn vật mà còn tái tạo được cuộc đời mới cho con người (chữa được bệnh câm cho nàng Bạch Hoa). Truyền thuyết còn kể về cái tên của đàn là do “khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy, sau mới bỏ chữ không đi, thành ra đàn đáy, có tên chữ là vô để cầm “(theo Việt Nam Ca Trù biên khảo).

Có phải ngẫu nhiên chăng mà truyền thuyết về tổ Ca Trù gắn liền với việc chế tác ra cây đàn đáy và việc truyền bá nghệ thuật chơi đàn đáy? Chắc chắn không phải ngẫu nhiên bởi vì Ca Trù, như chúng ta biết ngày nay đã không thể tách rời với cây đàn đáy. Như thế có nghĩa là, cách đây mấy trăm năm, tính đến khi có cây đàn đáy, thì Ca Trù đã có một bước tiến nhảy vọt về chất để định hình thành một diện mạo ổn định, có một lề luật nội tại chặt chẽ, một sự hài hòa ở đỉnh cao chưa từng có. Sự kiện ý nghĩa này đáng được ghi thành một cái mốc lịch sử trong sự phát triển Ca Trù, người chế tác cây đàn đáy đáng được thêu dệt thành một thiên truyền thuyết đầy thơ mộng, đáng được tôn vinh thành một tổ nghề. Do đó, điều lạ là Ca Trù có thể có từ đời Lý (như một số truyền ngôn) mà đến cuối đời Lê mới xuất hiện tổ Ca Trù trở nên dễ hiểu.

 

Việt Nam là nước có một kho tàng nhạc cụ cổ truyền hết sức phong phú và đa dạng. Kho tàng ấy được hình thành trong suốt hành trình cuộc sống và chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Có những nhạc cụ được sáng tạo tại chỗ có tính đặc trưng bản địa, có những nhạc cụ được du nhập từ nhiều đường khác nhau nhưng đã được dân tộc hóa, bản địa hóa cho phù hợp với nhạc ngữ, với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam. Đàn đáy là một loại nhạc khí độc đáo do người Việt sáng tạo nên. Đây là nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

(Trích tiểu luận thạc sĩ nghệ thuật âm nhạc của Gác)