gac an yen

“Cuộc hẹn ăn trưa” và bài học cuộc sống

Bộ phim ngắn “Cuộc hẹn ăn trưa” năm 1989 do Adam Davidson viết kịch bản và đạo diễn đã giành giải Cành Cọ Vàng cho phim ngắn (1990) và Oscar cho phim ngắn (1991). Câu chuyện đơn giản và được thực hiện với rất ít lời thoại nhưng lại chứa đựng nhiều bước ngoặt bất ngờ và mang lại giá trị bài học cuộc sống sâu sắc.

Bộ phim bắt đầu bằng cảnh quay một người phụ nữ da trắng vội vã. Khán giả biết được đây là một người giàu có qua trang phục và điệu bộ của bà. Bà ta có vé đi tàu và hớt hải đi qua một nhà ga để kịp lên tàu. Đoạn mở đầu cho thấy nhiều người vô gia cư da màu trong nhà ga và đạo diễn đã làm cho những nhân vật nổi bật trong mắt khán giả. Khán giả bắt buộc phải chú ý vào những con người này, trong khi bản thân người phụ nữ lại không quan tâm đến sự tồn tại hoặc kỳ thị họ.

Tiếp theo, một người đàn ông khác cũng có vẻ vội vã va vào người phụ nữ, khiến chiếc ví của bà ta rơi xuống đất. Anh ta cố gắng giúp bà ta bằng cách nhặt đồ rơi vãi nhưng người phụ nữ đã xua tay từ chối. Người đàn ông này là một người da đen, cùng màu da với những người vô gia cư kia. Anh ta mặc một bộ đồ trông như một doanh nhân và rõ ràng là khá tương đồng về vị trí xã hội với người phụ nữ. Anh ta xin lỗi và muốn giúp đỡ bà. Thế nhưng bà ta phản ứng như thể anh ta đang cố gắng dàn cảnh để ăn cắp đồ của mình. Khán giả đã nhận ra một sự phân biệt chủng tộc rõ ràng ở tình huống này.

Người phụ nữ nhận ra rằng ví của mình bị mất trong khi vé vẫn còn và bản thân bị trễ chuyến tàu. Sự kiện này rất quan trọng vì nếu bà ta có ví, nhận vật có thể bắt một chiếc xe, hoặc tìm ra một cách khác để đi. Nhưng bây giờ bà ta bị kẹt lại ở nhà ga và rõ ràng là bà ta chỉ còn cách là đổi vé và chờ chuyến tàu khác.

Quyết định tiếp theo của nhân vật là đi ăn trưa để chờ đợi thời gian. Bà ta chọn một món salad để phù hợp với số tiền ít ỏi còn lại. Bà ta đi ra một cái bàn, nhà hàng vốn được chia thành những bốt bàn khác nhau nhưng lại có kết cấu giống hệt nhau. Thiết kế bối cảnh lúc này rất quan trọng. Nhân vật đặt túi mua sắm của mình xuống và quay trở lại lấy một cái nĩa. Khi trở về, một người đàn ông vô gia cư đang ngồi và ăn đĩa salad mà người phụ nữ nghĩ là của mình một cách ngon lành. Nhân vật nữ rõ ràng là không còn tiền để có thể đi mua một món salad khác vì thế bắt buộc phải cùng ăn hết đĩa salad với người đàn ông vô gia cư kia.

Người đàn ông này thể hiện lòng hiếu khách của mình bằng cách mua cho người phụ nữ một tách cà phê sau khi hai người cùng dùng xong đĩa salad. Bà ta nhận tách cà phê một cách rất bình thường như một lẽ tất nhiên: anh lấy của tôi và bây giờ tôi phải được nhận lại. Nhưng cuối cùng thực tế là bà ta đã ngồi nhầm bốt và đã ăn thức ăn của người đàn ông vô gia cư da màu nọ.

Khi nhận ra sai lầm của mình, bà ta đã cười, một cái cười lớn thành tiếng, lần đầu tiên và duy nhất trong phim. Nếu kết thúc bộ phim ở đây đã là điều thú vị rồi bởi vì thông thường trong một tình huống như thế này, cuối cùng khán giả sẽ thấy nhân vật nữ da trắng thừa nhận sự tốt bụng của người đàn ông vô gia cư da màu. Bà ta sẽ có một sự thay đổi lớn trong trái tim và sự nhận thức về cách đối xử với con người đồng thời là bài học cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, mấu chốt khiến câu chuyện trở nên đỉnh cao mà không dừng lại ở khuôn mẫu đó chính là sau khi người đàn bà rời khỏi nhà hàng. Lúc này, đạo diễn lại đặt một người đàn ông vô gia cư da màu khác một lần nữa vào khung hình và hình ảnh bà ta thoáng qua, lướt đi nhanh như lúc bắt đầu phim mà không có một thay đổi nào trong cách bà ta đối xử với họ: dửng dưng, xem như những con người này không tồn tại. Ngay cả sau khi một người đàn ông kém may mắn hơn, ở địa vị thấp kém hơn đã mở rộng tấm lòng, chia sẻ bữa ăn của ông ấy và mua cho bà ta một tách cà phê, bà ta cũng không hề thay đổi hay học hỏi được điều tốt đẹp này từ cuộc sống.