Ta có thể học hỏi rất nhiều từ Mozart, người vẫn tiếp tục sáng tạo ngay cả khi ông phải chống chọi với cuộc sống cá nhân đầy bão tố và những áp lực tài chính nặng nề.
Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)
1. Đừng ngần ngại từ bỏ một điều gì đó
Cho đến năm 1781, Tổng Giám mục Colloredo là người bảo trợ chính của Mozart. Tuy nhiên, Colloredo không cho phép Mozart kiếm thêm thu nhập từ các sự kiện riêng hoặc gặp gỡ những người có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ. Logic của Colloredo rất đơn giản: Mozart kiếm được càng ít tiền và gặp càng ít người, ông sẽ phải tập trung sáng tác cho Cung đình Salzburg. Điều này vấp phải sự phản đối của Mozart: ông muốn nghỉ việc nhưng miễn cưỡng chịu đựng vì cha ông cũng đang làm việc tại đó.
Vào một ngày (không) đẹp trời, Colloredo từ chối để Mozart biểu diễn tại cơ dinh của nữ bá tước Thun. Thêm vào đó, Colloredo còn buộc Mozart dùng bữa trong khu nhà của người hầu. Con giun xéo lắm cũng quằn, Mozart xin từ chức với một lá thư. Không được chấp nhận, ông đến gặp thư kí của Colloredo và kết cục ra sao thì ai cũng biết rồi.
Sự rời khỏi Salzburg là một quyết định lớn, thay đổi cuộc sống của Mozart. Mozart cuối cùng cũng học được việc nói không với sự bất công, bóc lột, và khuất phục. Sự khuất phục mù quáng này là lưỡi dao tàn phá sự sáng tạo của ông. Sau khi Mozart nghỉ việc, các tác phẩm được ra đời với tần suất dày đặc hơn.
Bài học: Không phải “Hãy bỏ công việc của bạn!” mà là: “Hãy thoát khỏi tình trạng hiện tại của bạn nếu điều đó cải thiện được tài chính, sự sáng tạo, hay tinh thần của bạn.”
2. Luôn làm mới công việc của bạn
Ở nước Áo thế kỷ 18, việc tìm một nhà hát để trình diễn là công việc khó khăn đối với một nhà soạn nhạc. Cầu thì cao nhưng cung hạn chế. Vì thế, Mozart quyết định tổ chức các buổi hòa nhạc piano tại các địa điểm độc đáo như nhà hàng và chung cư. Ông thường tự biểu diễn những tác phẩm piano concerto như một cách để khoe các kĩ năng điêu luyện của mình, hoặc sắp xếp một dàn nhạc nhỏ.
Âm nhạc ông viết trong giai đoạn này (1782-1786) vừa mang tính thanh lịch vừa đơn giản, không chỉ dành riêng cho giới quý tộc mà cho tất cả các tầng lớp khác. Khán giả tiếp tục quay lại để nghe, và Mozart tiếp tục viết và biểu diễn để làm hài lòng họ. Năng suất và những ý tưởng âm nhạc mới lạ của Mozart giúp ông sở hữu số lượng tác phẩm khổng lồ, nhiều hơn tất cả những nhạc sĩ đương thời. Và hiếm có nhạc sĩ nào tổ chức được hơn 1 buổi hòa nhạc trong 1 mùa như Mozart.
Bài học: “Tiếp tục cập nhật ý tưởng của bạn.” Ngay cả Mozart còn biết rằng ông không thể giàu hơn bằng cách diễn đi diễn lại một bản nhạc.
3. Du lịch thường xuyên và nhiều nơi
Mozart thường xuyên lưu diễn tại nhiều cung điện ở châu Âu khi còn rất nhỏ. Qua những chuyến đi đó, ông được tiếp xúc với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau – đặc biệt là của Ý và Đức. Không có nhà soạn nhạc nào khác thành công trong việc kết hợp hình thức chủ điệu của Ý với phức điệu của Đức như Mozart.
Bài học: “Hãy đi du lịch (trong mức tài chính của bạn) và để mở ra những trải nghiệm mới.” Biết đâu với những vốn kiến thức góp nhặt được trong những chuyến đi đó, bạn có thể tích hợp vào công việc, sáng tác của bạn và sáng tạo ra một thứ hoàn toàn khác.
4. Đừng ngần ngại ở một mình
Mozart thấy rằng sự cô lập là ngọn lửa châm cho sự sáng tạo của mình. Mozart từng viết, “khi tôi… hoàn toàn là chính mình, hoàn toàn ở một mình… hay trong những đêm không ngủ, đó là lúc ý tưởng của tôi tuôn trào tốt nhất và dào dạt nhất. Những ý tưởng này từ đâu ra, tôi không biết và tôi cũng không thể ép buộc chúng theo ý mình.”
Bài học: “Hãy dành thời gian cho chính mình.”
Nguồn: Inc.com – Lược dịch: Gác An Yên